Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Ngày đăng: 29/12/2023 11:53 PM

    – Sầu riêng là loại cây ăn quả nhiệt đới có hương vị khá đặc biệt, rất được ưa chuộng ở các nước Đông Nam Á.

    – Những nước trồng sầu riêng nhiều nhất trên thế giới là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippin. Ở Việt Nam, cây sầu riêng được trồng tập trung ở các tỉnh phía Nam như: Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long…

    – Sầu riêng là loại cây ăn quả lâu năm nếu được chăm sóc tốt, giai đoạn kiến thiết cơ bản thường kéo dài đến hết năm thứ 4, sau đó cây bắt đầu cho trái với năng suất tăng dần, cho thu hoạch ổn định ở năm thứ 7 và năng suất vườn sẽ giảm nhanh ở giai đoạn cuối.

    – Thời gian kinh doanh của cây sầu riêng trung bình là 25 năm.

    1. Thời điểm và khoảng cách trồng

    – Thời điểm trồng sầu riêng thích hợp nhất là từ đầu mùa mưa đến giữa mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8).

    – Khoảng cách trồng: Nên trồng thưa để vườn thông thoáng, cây khoẻ mạnh, dễ chăm sóc và ít bị bệnh thối trái.

    Nếu trồng thuần: 125 cây – 156 cây/ha ( 8m x 8m hoặc 10mx10m/cây).

    Nếu trồng xen: 70 cây – 100 cây/ha (10m x 12m/cây).

    2. Cây giống

    – Cây phải được nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép mắt hoặc ghép cành, có nguồn gốc rõ ràng.

    – Gốc ghép thẳng, đường kính gốc ghép 1.0 – 1.5cm, bộ rễ phát triển tốt.

    – Thân, cành, lá: Thân thẳng và vững chắc, có từ 3 cành cấp 1 trở lên, các lá ngọn đã trường thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống. Chiều cao cây giống (tính từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi) đạt từ 80cm trở lên.

    – Cây phải đúng giống như tên gọi ghi trên nhãn hiệu và phải đang sinh trưởng khỏe, không mang các loại dịch hại chính như: bệnh thán thư, bệnh do nấm Phytophthora, bọ phấn,…

    ⇒ Lưu ý không trồng sầu riêng bằng hạt.

    3. Kỹ thuật trồng

    a) Đào mương, lên liếp

    – Trường hợp lên liếp đơn thích hợp trồng chuyên canh: Liếp rộng 6 – 8m, mương rộng 1 – 2m, sâu từ 1 – 1.2m.

    – Liếp đôi thích hợp trồng xen một số cây trồng khác để lấy ngắn nuôi dài: Liếp rộng 10 – 12m, mương rộng 4 – 5m, sâu từ 1 – 1.2m.

    b) Chuẩn bị hố trồng

    – Đào hố trồng có kích thước: 0.8 x 0.8 x 0.8m, cho 0.5 – 1kg vôi/hố để xử lý một số côn trùng và nấm bệnh trong đất.

    – Sau khi xử lý hố trồng khoảng 1 tháng: Tiến hành bón lót hỗn hợp sau khi đã trộn đều gồm: 30kg phân chuồng hoai mục + 200gr NPK (15:15:15) + đất mặt được đào từ hố trồng với lượng vừa đủ để khi lấp lại bằng với mặt đất tự nhiên và 15 ngày sau tiến hành đặt cây con.

    c) Cách trồng

    + Đặt cây con:

    Đào 01 lỗ chính giữa hố đã được trộn phân lấp xuống sao cho vừa bằng bầu cây giống và dùng kéo cắt bịch ni lông cẩn thận để không làm tổn thương rễ và không được làm bể bầu.

    Đặt cây vào hố trồng, hướng mắt ghép quay về hướng gió chính trong năm để giảm hiện tượng tách mắt ghép, nén đất chặt xung quanh bầu cây.

    Cắm 3 cọc tạo thành hình tam giác bao xung quanh cây và buộc nhẹ vào thân cây để giữ cây khỏi đổ ngã, tưới đẫm nước ngay sau khi trồng và dùng rơm, cỏ khô ủ gốc để giữ ẩm.

    + Che bóng cho cây lúc còn nhỏ:

    Sau khi trồng, trong 06 tháng đầu tiên cần che 30 – 40% ánh nắng bằng lưới đen và che phủ mặt liếp bằng một số cây ngắn ngày như đậu xanh, đậu phộng để vừa làm cây trồng xen lấy ngắn nuôi dài vừa giữ ẩm cho đất.

    Trồng thêm cây bắp hoặc chuối theo hướng đông tây và cách gốc 2 – 3 m để che nắng cho cây.

    Lưu ý: Giữ gốc sầu riêng khô ráo để hạn chế nấm bệnh tấn công vào gốc; Không trồng các loại cây: Đu đủ, thơm, dừa, nhóm cây có múi để làm cây trồng xen trong vườn sầu riêng vì các cây này cũng là ký chủ của nấm Phytophthora.

    + Quản lý cỏ dại

    Trong mùa mưa, hàng tháng nên cắt cỏ toàn vườn nhằm giữ lại thảm cỏ giúp đất không bị rửa trôi, hạn chế tối đa sử dụng thuốc diệt cỏ.

    Riêng khu vực quanh gốc cây, không được sử dụng thuốc diệt cỏ mà nên làm cỏ bằng tay, nhất là trước mỗi đợt bón phân.

    4. Bón phân

    Bón phân theo từng giai đoạn phát triển của cây và trái.

    Trong đó lưu ý:

    Giai đoạn sinh trưởng, kích thích cây ra đọt cần bón phân với công thức có tỷ lệ đạm và lân cao.

    Giai đoạn phát triển trái, đặc biệt nhất là giai đoạn phát triển cơm cần bón phân với công thức có tỷ lệ Kali cao hơn đạm.

    * Phân hữu cơ:

    Mỗi năm nên bón từ  20 – 30 kg/cây vào đầu mùa mưa, tốt nhất nên kết hợp với nấm sinh học đối kháng Trichoderma để hạn chế các dòng nấm hại có trong đất như Phytophthora palmivora.

    Thực hiện đào hố theo chiều rộng của tán cây, cho phân chuồng xuống cùng với phân vô cơ, trộn đều rồi lấp đất.

    * Phân vô cơ:

    Năm thứ 1 – 2: Pha phân hóa học với nước để tưới.

    Năm thứ 3 trở đi: Xới đất xung quanh tán để bón. Cụ thể: Xới một lớp đất mỏng, rắc đều phân và phủ đất. Vào mùa khô, có thể rắc phân phủ đất xong tiến hành tưới nước lên trên vừa có tác dụng chống hạn cho cây.

    Những điều cần chú ý khi bón phân cho sầu riêng

    Không dùng các loại phân có Clor nhất là trong giai đoạn cho trái để bón vì Clor là một trong những yếu tố làm cho trái bị sượng.

    Bón phân gà là cần thiết vì phân gà có khả năng hạn chế sự phát triển của nấm Phytopthora palmivora – vốn là loại nấm rất nguy hiểm với sầu riêng.

    Có thể thay thế phân gà hoai mục bằng các loại phân đã qua chế biến nhưng có nguồn gốc từ phân gà như: Humic, Dynamic lifter.

    Để hãm ra lá non, tạo điều kiện cho cây ra hoa và đậu quả được tốt có thể dùng KNO3 hoặc phân bón lá MKP (0:52:34) để phun lên lá, nồng độ và cách phun theo hướng dẫn của kỹ thuật hoặc trên bao bì sản phẩm.

    5. Tưới nước

    Cây cần nước ở các giai đoạn:
    – 1 tháng đầu tiên sau khi trồng nên tưới 1 lần/ngày.

    * Thời kỳ cây tơ:
    Tưới đủ nước, đảm bảo chu kỳ tưới 3 lần/tuần (lượng nước tưới 100 – 150 lít/cây/lần) trong thời gian ít mưa và mùa khô để giảm tỉ lệ cây chết, giúp cây phát triển mạnh, nhanh cho trái.

    * Thời kỳ cây ra hoa:
    Tưới cách ngày để cho hạt phấn khỏe mạnh và ngưng tưới nước khi hoa nở rộ. Khi kết thúc giai đoạn ra hoa rộ thì tưới trở lại và lượng nước được tăng dần cho đến khi trở lại bình thường.

    * Thời kỳ cây cho trái:
    Sau khi đậu trái, tưới đủ nước để giúp trái phát triển khỏe, chất lượng tốt. Riêng giai đoạn 20 ngày trước thu hoạch cần ngưng tưới để hạn chế cây ra đọt non giúp giảm tỷ lệ quả bị sượng.

    6. Cắt cành – tạo tán

    – Để tạo cho cây có chiều cao vừa tầm, thuận lợi chăm sóc và có bộ khung tán khỏe mạnh cần áp dụng bấm đọt, tỉa bỏ các cành không cần thiết.
    Cắt các cành: Mọc đứng, cành bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, các cành mọc gần mặt đất.
    Giữ lại: Cành mọc ngang, khỏe mạnh, độ cao từ 1m so với mặt đất.

    – Số cành cấp 1 khoảng 18 – 20 cành/cây, mỗi tầng khoảng 3 cành phân bố đều các hướng, mỗi tầng cách nhau 0.7 – 1m, chiều cao của cây cần được điều chỉnh bằng với khoảng cách giữa các cây trong vườn.

    – Việc cắt cành, tạo tán cần được tiến hành từ năm thứ 2 để cây tạo tán sớm và thực hiện thường xuyên, liên tục để có bộ tán thông thoáng cân đối.

    7. Xử lý ra hoa
    Nhìn chung, tại khu vực miền Đông Nam Bộ, sầu riêng ra hoa từ tháng 1 – 3, thu hoạch vào tháng 6 – 8 hàng năm.

    a) Ra hoa thuận mùa
    – Khi bón phân ở gốc trong giai đoạn lá của cơi đọt thứ 2 chuyển sang lá lụa, cần kết hợp phun lên thân cây loại phân bón chuyên giúp tạo mầm hoa tốt, ra hoa đồng loạt + phun đẫm toàn bộ lá bằng MKP nhằm giúp lá mau thuần thục, thực hiện 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày.
    – Khi hoa có độ dài 2 – 3cm: Tưới nước trở lại và tưới đầy đủ nước để hoa phát triển to, đều, hạn chế rụng hoa và tăng khả năng đậu trái.
    – Khi hoa có độ dài 3 – 4cm: Tỉa bỏ tất cả hoa ở đầu cành và sát gốc cành, chỉ giữ lại những chùm hoa giữa cành có khả năng mang trái.

    Lưu ý:
    + Ở giai đoạn cây ra hoa, nếu đồng thời cây cũng ra đọt sẽ cạnh tranh dinh dưỡng trong nuôi trái.
    + Tuy nhiên, nếu khống chế không cho cây ra đọt sẽ đi ngược với quy trình sinh trưởng của cây và làm cây suy kiệt nên cần tạo kiều kiện cho cây ra đọt cùng lúc với ra hoa, tốt nhất là khi hoa nở thì đọt cũng đã già.
    + Như vậy, sau khi cây ra hoa, trong khi tưới nước cần bón bổ sung hỗn hợp 1 – 1.5kg URÊ + 1 – 1.5kg DAP/cây và phun phân bón lá để thúc cây ra đọt. Cơi đọt này cần được nuôi và chăm sóc đặc biệt vì nó có vai trò quan trong trong quá trình nuôi dưỡng trái sau này.

    b) Xử lý ra hoa nghịch vụ
    – Bón phân giúp cây phân hóa mầm hoa: Khi cơi đọt muốn xử lý ra hoa đã già (sau khi nhú cơi đọt khoảng 3 – 4 tuần) thực hiện đồng thời:

    * Bón gốc:
    Phân DAP + Kali sunfat (lượng phân bón phụ thuộc vào tuổi và độ sung của cây mà áp dụng tỷ lệ 1 : 1 hay khác) + tưới nước để phân tan (giúp rễ hấp thu dinh dưỡng đầy đủ).
    Sau đó ngưng tưới hoàn toàn và rút cạn nước trong mương sao cho khoảng cách từ mực nước trong mương đến mặt liếp đạt từ 1m trở lên nhằm đảm bảo đất ở vùng rễ được khô ráo.

    * Phun lá:
    Phun phân bón lá có hàm lượng lân cao, thực hiện 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày.

    –  Sau khi bón phân giúp cây phân hóa mầm hoa, cây sẽ bắt đầu tạo mầm hoa. Giai đoạn này có thể từ 30 – 45 ngày.

    – Nếu trong giai đoạn này, cây đã phân hóa mầm hoa vài đợt mà cây vẫn vón quá tươi tốt thì tiến hành phun thêm phân bón lá chứa lân và kali cao, thực hiện 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 – 7 ngày để giúp cây tạo thêm mầm hoa.

    * Sau đó chờ cây ra hoa thông qua các dấu hiệu giúp nhận biết cây sẽ ra hoa:
    Thân cây răn nứt
    Lá già trên cây đổ nhiều, tốt nhất khi cây có tỷ lệ đổ lá từ 20 – 30% lá già.
    Trên các cành nhất là cành trên cao xuất hiện nứt sáng mắt cua (số lượng ít). Để quan sát rõ hơn ta thực hiện chiếu đèn pin hướng về các cành trên cao vào buổi chiều tối, nếu có mắt cua xuất hiện thì nó sẽ phản quang và sáng lên.

    – Sau khi cây có đủ các dấu hiệu trên, thực hiện tưới đẫm nước 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 – 4 ngày nhằm gây sốc cho cây để mắt cua được bung đồng loạt, sau đó tiến hành tưới giữ ẩm trở lại.

    8. Tuyển hoa – tuyển trái

    a) Tuyển hoa: – Sầu riêng ra hoa 2 – 3 đợt trong năm, việc tỉa bỏ hay giữ lại đợt hoa nào tùy thuộc vào ý định của chủ vườn muốn có thu hoạch ở thời điểm nào để có hiệu quả kinh tế cao. Nếu có 03 đợt hoa chính, có 02 phương án:
    Phương án 1: Tỉa bớt hoa đợt 1 và đợt 3, để lại hoa đợt 2 cho chín tập trung.
    Phương án 2: Tỉa bớt hoa đợt 2, để lại hoa đợt 1 và đợt 3 để cho thu hoạch những quả chín sớm và chín muộn vào lúc thị trường khan hiếm.

    b) Tuyển quả:
    – Tỉa bỏ những quả nhỏ, quả méo mó, chỉ giữ lại những quả có hình dáng đẹp.
    – Quả được mang trên cành to thì chất lượng cao hơn những quả trên cành nhỏ hoặc trên cành ít lá. Không để lại quá nhiều quả trên 01 cành, nhất là trên các cành nhỏ. Vì vậy, sau khi đậu quả, công việc tỉa quả được tiến hành như sau:

    * Lần 1: Tỉa vào giai đoạn từ tuần thứ 3 – 4 sau khi hoa nở đến tuần thứ 5 sau khi hoa nở (trước khi quả bước vào giai đoạn phát triển nhanh). Lúc này cần tỉa bỏ các quả đậu dày đặc, quả nhỏ, dị hình, bị sâu bệnh và chỉ để lại 1 – 2 quả/chùm.

    * Lần 2: Tỉa vào tuần thứ 8 sau khi hoa nở. Lúc này cần tỉa bỏ các quả phát triển không bình thường: Nhỏ, mất cân đối, méo mó … để điều chỉnh lại sự cân bằng về mặt dinh dưỡng giúp cho quá trình tạo cơm trái được thuận lợi.

    * Lần 3: Tỉa vào tuần thứ 10 sau khi hoa nở. Lúc này cần tỉa bỏ các quả có hình dạng không đặc trưng của giống, tạo thuận lợi cho sự phát triển cơm, kích thước và hình dạng quả.

    Nông Nghiệp Xanh HCM luôn tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các nhà vườn, nghiên cứu để cho ra đời những dòng sản phẩm hoàn thiện hơn, tốt hơn, thân thiện với môi trường, an toàn cho hệ sinh thái và tiết kiệm chi phí cho chủ vườn.

    ∗∗∗∗∗ Nông Nghiệp Xanh – Cho Đời Thêm Xanh ∗∗∗∗∗

    —————

    CÔNG TY NÔNG NGHIỆP XANH HCM

    Hotline: 0965 067 880 (Zalo/Call) - 0938 190 015
    Website: https://nongnghiepxanhhcm.com/
    Fanpage: https://www.facebook.com/ktctnongnghiepxanhhcm
    Email: http://nongnghiepxanh.hcm2020@gmail.com
    Kênh Youtube: https://www.youtube.com/@CUNGNHANONGLAMGIAU (Anh Quốc)

                            https://www.youtube.com/channel/UC5j2E9S0-k3LfkaLrUUYRMw (Anh Phú)

                            https://www.youtube.com/@NguyenMinhVinh (Anh Vịnh)

                            https://www.youtube.com/@KyThuatNongNghiep0965067873 (Anh Thảo)
    Địa chỉ: 168/11K, Ấp Thới Tây 2, Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn, Tp.Hồ Chí Minh